Những ai đã và đang bước vào tuổi già, khoảng từ 70 tuổi trở lên, thường phải đối mặt với một nỗi sợ khủng khiếp, đó là sự cô đơn của tuổi già. Cô đơn không hẳn là do không có người thân hay do hoàn cảnh neo đơn, mà là do những yếu tố rất đặc thù khiến người già phải rút lui vào thế giới riêng của mình. Ở thế giới đó họ phải chiến đấu với mọi thứ khó khăn như tâm trạng chán nản bi quan, nỗi buồn quạnh hiu, bệnh tật triền miên, sự xa cách của xã hội, sự thiếu thốn vật chất, phương tiện này nọ vv…
Do đó, thách thức lớn nhất của người già là phải đối diện với nỗi cô đơn của chính mình. Chúng ta biết rằng, khi tuổi già ập đến, bạn bè và người thân lần lượt ra đi, những người già dễ lâm vào cảnh muốn thu mình lại, ít tiếp xúc với thế giới xung quanh. Khả năng nghe-nhìn (thính lực, thị lực) và sự vận động trở nên sút kém và khó khăn nên càng khiến họ khó giao tiếp với xã hội hơn. Mặt khác, những người già cũng có xu hướng không muốn kết bạn mới. Chính điều này khiến cho tỉ lệ người cao tuổi cô đơn có xu hướng cao hơn những lứa tuổi khác.
Hiện nay, các nhà xã hội học và tâm lý học rất quan tâm tới giới già và những vấn đề riêng của họ. Người ta cũng cố gắng đưa ra những giải pháp thích hợp nhất nhằm giúp người già thoát cảnh cô đơn và lên tiếng khuyến cáo xã hội quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào việc giúp người già được có cơ hội sống vui, sống khỏe và sống hạnh phúc.
1- Tình trạng cô đơn của người già tại VN và các nước trên thế giới
Theo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, dân số Việt Nam đang "già hóa". Tỷ lệ người trên 60 tuổi dự báo sẽ chiếm 20,7% dân số vào năm 2040, so với 10,2% năm 2014. Bên cạnh đó, cấu trúc gia đình Việt Nam đang thay đổi rõ rệt, nếu năm 1993 có tới 80% người cao tuổi sống với con cái thì năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69,5%. Đã có một nhóm người trẻ coi việc tách ra ở riêng khỏi cha mẹ sau 18 tuổi là chuyện bình thường. Điều đáng buồn là, ngay cả khi sống cùng với con cháu, nhiều người già vẫn cảm thấy cô đơn khi không nhận được sự quan tâm, chia sẻ thích đáng. Không ít người già đang bị bỏ rơi ngay chính trong ngôi nhà của mình, giữa người thân của mình. [1]
Chúng ta biết rằng, hàng năm có một ngày gọi là Ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi viết tắt IDOP (International Day of Older Persons). Đó là một ngày hành động quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1 tháng 10 hàng năm. Việt Nam cũng tham gia ngày này và tại các địa phương đều có tổ chức phát quà mừng thọ quý cụ ông cụ bà trên 70 tuổi.
Tại châu Âu, theo thống kê, số người già cô đơn càng lúc càng nhiều, chiếm tới hơn 30% dân số. Tuổi thọ kéo dài một mặt thể hiện sự phát triển của quốc gia, mặt khác nó cũng mang lại nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn nạn cô đơn của người già. Cô đơn là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất mà người cao tuổi phải đối diện trên toàn cầu. Đến nỗi, có những cụ già ở Nhật cố tình ăn trộm để được vào tù sống cho đỡ buồn.
Chính phủ các nước phát triển đã tìm nhiều cách để người già được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Ở Vương quốc Anh có “Bộ Cô đơn”. Ở nhiều nước phát triển, các đường dây nóng mở ra chỉ để người già có nơi gọi điện tâm tình, hoặc có những phong trào tình nguyện khuyến khích thanh niên tới thăm hỏi người già, trò chuyện và đọc sách, ăn với họ bữa cơm. Có những nơi chính phủ khuyến khích con cái đón cha mẹ về sống chung. Bù lại, họ sẽ được giảm giờ làm, giảm thuế hoặc được hưởng thêm ưu đãi trong chăm sóc y tế, sức khỏe. [1]
Tại Anh quốc, các nhà vận động ước tính nước này đang có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi phải sống trong cảnh cô đơn. Những cuộc điện thoại hay các cuộc viếng thăm định kỳ theo tuần của những người tình nguyện đang được xem là một phần giải pháp giúp tình hình trở nên dễ chịu hơn.
Theo tổ chức Phi Chính phủ có tên “Người-cao-tuổi” của Anh, ở nước này đang có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi phải sống trong cảnh cô đơn “kinh niên”. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người già. Bà Caroline Abrahams, giám đốc tổ chức “Người-cao-tuổi” của Anh cho biết: “Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn vì cô đơn”.
Không chỉ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tình trạng cô đơn còn liên quan chặt chẽ đến bệnh tật, thậm chí là tử vong ở người cao tuổi. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy những người già sống tách biệt với xã hội thường có sức khỏe kém hơn và tử vong sớm hơn so với những người duy trì được sự gắn kết chặt chẽ với xã hội dù mối quan hệ nhân quả giữa việc cô đơn và bệnh tật đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Theo các nhà nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, sự cô đơn có thể tăng nguy cơ tử vong thêm 26%.
Cũng theo nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, có một điều trớ trêu là khi sự liên lạc trở nên dễ dàng hơn thì sự cô lập và cô đơn cũng gia tăng nhanh chóng hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ước tính, có đến 3,9 triệu người già ở Anh xem TV là “người bầu bạn” tuyệt vời nhất. Thách thức trong việc giải quyết tình trạng cô đơn ở người lớn tuổi ở Anh đang trở nên khó khăn hơn khi tuổi thọ của người dân ở nước này được cải thiện. Ước tính, trong vòng 20 năm tới, tổng số dân từ 85 tuổi trở lên ở Anh sẽ tăng lên từ khoảng gần 1,3 triệu người hiện nay lên thành 2,8 triệu người.
Số liệu thống kê của Cơ quan y tế quốc gia của Anh cho thấy tình trạng trầm cảm ảnh hưởng tới khoảng 22% đàn ông và 28% phụ nữ trên 65 tuổi ở Anh. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học ở Viện tâm lý hoàng gia Anh, 85% những người già bị trầm cảm không nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan y tế. Vấn đề càng trở nên khó xử trí hơn khi một nghiên cứu của một nhóm bao gồm 9 tổ chức hoạt động vì người già ở Anh chỉ ra rằng có đến hơn 1 nửa trong số những người từ 50 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội Gransnet cho biết họ chưa bao giờ kể với người khác về tình trạng đơn độc mà họ gặp phải. [2]
Tại Nhật Bản, theo số liệu thống kê đầu năm 2019, trong số những cụ ông cao tuổi sống một mình, chỉ có 15% thường xuyên nói chuyện với một người khoảng hai tuần một lần, trong khi đó khoảng 30% cảm thấy không thể nói chuyện với bất kỳ ai và không có người nào đáng tin cậy để họ có thể nhờ giúp đỡ như là thay bóng đèn…
Theo cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản, dân số đang già hóa nhanh chóng, có 28% người Nhật ở trên độ tuổi 65, cao nhất thế giới, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách đặc biệt là sự cô lập xã hội là vấn đề khó giải quyết hơn cả.
Tỷ lệ những người phụ nữ trên 65 tuổi sống một mình đã tăng gấp đôi từ 11,2% năm 1980 lên 20,3% vào năm 2010, trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là tăng từ 4,3% lên 11,1% so với cùng kỳ. Trước thực trạng những người cao tuổi ở Nhật Bản sống trong cô độc đã gây ra một hiện tượng xã hội có tên là Kodokushi, một bóng đen đang bao trùm lên Nhật Bản mà không thể nào tìm được lối thoát.
Kodokushi hay còn gọi là những cái chết cô đơn, phản ánh thực tế xã hội Nhật Bản, những người già sống cô độc, khi chết đi không một ai hay biết và thi thể của họ chỉ được phát hiện trong một thời gian dài sau đó. Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây. [3]
2- Một vài giải pháp nhằm giúp người già bớt cô đơn và đỡ bệnh tật
Bà Caroline Abrahams, giám đốc tổ chức “Người-cao-tuổi” của Anh cho biết: “Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn vì cô đơn”. Như vậy, sự cô đơn sẽ có nguy cơ đẩy người già vào tình trạng đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Họ dễ mắc những chứng bệnh nguy hiểm về tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp. Các bệnh này thường trở nên mãn tính, khiến người già phải chịu đựng suốt đời.
Mặt khác, khi cô đơn trở thành tình trạng thường xuyên kéo dài, có thể khiến nhiều người già rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề. Trong một báo cáo tại Anh của chiến dịch kêu gọi chống lại trầm cảm Jo Cox Loneliness, chỉ riêng ở quốc gia này đã có tới 9 triệu người đang ngày ngày phải chịu cảm giác cô đơn và sự tách biệt với xã hội.
Cảm giác ấy khiến con người ta dễ trầm cảm hơn, và thường là lý do dẫn đến tình trạng tự sát. Những người cô đơn cũng có rủi ro mắc các bệnh liên quan đến khả năng nhận thức cao hơn tới 64%. Tác hại không chỉ dừng lại ở đó, cảm giác cô đơn làm tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp dẫn đến tử vong sớm lên tới 26%. Con số này cũng tương đương với rủi ro khi hút tới 15 điếu thuốc/ngày. Một số bác sĩ cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, cảm giác cô đơn còn khiến con người ta "cố tình" mắc bệnh. Tức là, họ muốn đến gặp bác sĩ nhiều hơn để có cảm giác được quan tâm, chăm sóc, và điều này vô tình tạo áp lực cho ngành y. [4]
Thực vậy, cô đơn khiến người cao tuổi thêm bệnh. Ngày càng nhiều người đối mặt với sự cô đơn và sống trong tình trạng cô lập khi về già. Theo giáo sư John Cacioppo thuộc Đại học Chicago (Mỹ): Những người già cô đơn có mạch máu giòn hơn, điều này khiến họ dễ mắc bệnh tăng huyết áp, cơ thể viêm nhiễm cũng như suy giảm trí nhớ nhanh hơn với người bình thường.
Người già cô đơn sẽ mất tự tin nên sợ các hoạt động xã hội và do đó lại càng tự cô lập mình nhanh hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy số người chết vì cô đơn nhiều gấp đôi số người chết vì béo phì.
Đặc biệt, người cao tuổi sống một mình thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đối với người cao tuổi, trầm cảm có thể có biểu hiện triệu chứng và cấp độ khác nhau. Nhiều người già và gia đình họ không nhận ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm, không biết rằng trầm cảm là một căn bệnh và không biết làm thế nào để xử lý được. Nhiều người thậm chí nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh trầm cảm là dấu hiệu của sa sút trí tuệ, bệnh Alzeheimer, viêm khớp, ung thư, bệnh tim, parkinson, đột quỵ hay rối loạn tuyến giáp. Chính sự nhầm lẫn tai hại này khiến cho người già bị trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trên thực tế, ta thấy rằng, không phải bất kỳ người già nào cũng bị suy sụp trong thế giới riêng của mình, để rồi phải sống và chết trong sự cô đơn thảm thương của họ. Có người sống lạc quan yêu đời như lúc còn trẻ. Có người tập thích nghi dần dần với nỗi cô đơn “một mình ta với ta”. Có người rút lui sống xa cách thế giới ngoài mình để cho ngày tháng trôi đi một cách tuyệt vọng. Người già cô đơn nhiều hay ít là do thái độ chấp nhận của họ đối với hoàn cảnh sống đặc thù của mình.
Trước những thay đổi, người già cũng có những cách đón nhận khác nhau. Nhà tâm lý học E. Erikson đưa ra nhận xét về 3 cách thích nghi với tuổi già:
- Một số người chấp nhận bản thân một cách thực tế và đi vào tuổi già một cách suôn sẻ. Họ tìm được sự thỏa mãn trong cuộc sống và các quan hệ thường ngày. Họ cảm thấy họ đã sống có ích và có ý nghĩa, không có gì làm cho họ phải hối tiếc khi về già.
- Số khác chấp nhận tuổi già một cách thụ động và vui lòng đón nhận cơ hội nghỉ ngơi đối với gánh nặng trách nhiệm.
- Một số không ít người không thích nghi với tuổi già. Họ không chấp nhận đời sống thụ động hơn sự bất lực. [5]
Dù trong hoàn cảnh nào, người già vẫn luôn cần đến sự quan tâm và nâng đỡ của nhà nước, xã hội và các tôn giáo.
a. Hãy đến với người già:
Đó là phương cách đơn giản nhất nhằm giảm bớt nỗi cô đơn thường xuyên gặm nhấm họ. Ngoại trừ trường hợp “cô đơn tự nguyện”, mọi người già cách chung cần sự hiện diện của một ai đó bên cạnh họ. Nếu là con cháu hay người thân trong gia đình, chúng ta nên thường xuyên lui tới thăm viếng, trò chuyện, an ủi, khích lệ ông bà cha mẹ già yếu của mình. Các ngài thích gì cung cấp cho các ngài cái đó. Có thể một cuốn sách, một bộ cờ tướng, một cái iPhone, một đôi giày hay một cái xe đạp thể thao, một cái TV nhỏ, một cái máy đo huyết áp điện tử, một cái thẻ bảo hiểm y tế và nhân thọ vv.
Sự yêu mến và quan tâm của chúng ta sẽ giúp người già trút bỏ được mặc cảm bị bỏ rơi xa cách, mặc cảm tự ti mình là người vô dụng, sống ngoài lề xã hội. Có người đã nói: “Cô độc thật sự đáng sợ đấy, nhưng không đáng sợ bằng việc cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ” (Amedia Earhart). Người già sẽ rất buồn tủi khi mọi người xung quanh, nhất là con cháu và người thân, vô tình hay hữu ý, tạo một bức tường ngăn cách khiến cho họ cảm thấy cô độc trong thế giới xung quanh họ.
b. Hãy tạo cho người già có cơ hội làm mới cuộc đời:
Chúng ta biết rằng một trong những nét tâm lý đặc trưng của tuổi già đó là thường mắc “Hội chứng về hưu”, thường có những biểu hiện trống trải, buồn chán, cô đơn, dễ cáu gắt, thiếu tự tin, hay nghi ngờ. [5] Do đó, chúng ta nên tìm mọi cách để “làm mới” con người và cuộc sống của họ.
Thỉnh thoảng đó đây, người ta thấy nhiều người lớn tuổi, có khi trên 80, 90 tuổi, cũng tích cực tham gia vào các hoạt động ngoài xã hội như thể thao, văn hóa, nghệ thuật. Có cụ lập kỷ lục bằng cách nhảy dù từ trên cao. Có cụ dự thi bơi lội. Có cụ khác luyện tập thể hình. Có cụ tham gia biểu diễn một nhạc cụ nào đó. Có nhiều trường hợp, khi bước vào tuổi già, cao niên rồi người ta mới phát huy những tài năng bẩm sinh. Do đó, nếu xã hội quan tâm giúp đỡ thì người già cũng có thể trở thành nổi tiếng như bao nhiêu tài năng khác.
Ngày nay, chúng ta có thể chứng kiến nhiều người già cắp sách đến trường hay đến giảng đường đại học. Họ say mê học hỏi và đạt được thành tích học tập cao. Có người đã giành được mảnh bằng cử nhân, tiến sĩ giữa những người đồng môn trẻ tuổi đáng con cháu họ.
Chuyện người già làm nên kỳ tích không hiếm. Tại VN, ở Hà Nội có cụ bà 97 tuổi tên Thi nổi tiếng, được phong “sành sỏi Internet nhất Việt Nam”. Cụ từng nói rằng cụ từng bị ung thư 3 năm nay, nhưng còn sức thì còn học. Cụ Thi từng khẳng định mình thích thì mình học thôi, học là học chứ đâu cần biết học để làm gì. Được biết ngoài khả năng sử dụng laptop để viết lách, vụ còn say mê hội họa và đã từng vẽ những bức tranh được nhiều người khen ngợi.
Trong khi đó ở Saigon, ai cũng biết đến cụ Mạc Can một nghệ sĩ rất đa tài. Cụ tên thật Lê Trung Can sinh năm 1945 là một nghệ sĩ ảo thuật đồng thời cũng mới nổi lên nhờ tài viết văn, viết sách. Cụ đã từng tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động nghệ thuật như đóng hài, đóng phim, biểu diễn ảo thuật và viết văn. Riêng trong lãnh vực viết văn, cụ là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Tấm ván phóng dao”. Được biết, cụ Can bắt đầu viết văn lúc tuổi sắp bước sang lục tuần. Nhưng nhờ đam mê, cụ đã thành công và nổi tiếng khắp nước.
Có thể nói, ngày nay nhờ mạng xã hội phát triển nên các cụ có cơ hội tiếp cận với văn minh nhân loại, đồng thời có điều kiện tương tác với mọi người, mọi lớp tuổi, mọi đất nước trên toàn cầu.
Nghiên cứu từ Kaspersky Lab và B2B International cho thấy, trên toàn cầu, số lượng người già truy cập internet đang tăng khá nhanh. 84% người dùng ở tuổi 55 trở lên thường truy cập internet tại nhà nhiều lần trong ngày và 44% dành ít nhất 20 tiếng mỗi tuần cho internet. Tại Anh, tỷ lệ người từ 65 đến 74 tuổi sử dụng internet đã tăng từ 52% vào năm 2011 lên 80% vào năm 2018.
Trong khi đó nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, 95% người cao tuổi cảm thấy từ hài lòng đến rất hài lòng với việc công nghệ giúp cuộc sống của họ bớt cô đơn hơn vào lúc xế chiều. Ngoài ra, người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ.
Như vậy, ta thấy rằng người già không hẳn là những người bỏ đi, trái lại nếu họ có cơ hội và có đất để phát huy sở trường thì chắc chắn tài năng của họ sẽ lộ diện và điều đó cũng có nghĩa là họ vẫn có thể giúp ích cho xã hội mặc dù tuổi tác đã xế chiều.
c. Hãy kính trọng, yêu thương họ thay vì hất hủi, khinh chê họ:
Mọi người đều biết rằng, trong việc chăm sóc người lớn tuổi, điều cần thiết nhất là yêu thương và kính trọng các ngài. Người ta thường nói, “tuổi già như là một bệnh viện, họ phải nhận đủ thứ bệnh!”. Chính vì vậy người già cần được yêu thương chăm sóc một cách hết sức đặc biệt. Khi thực hiện việc chăm sóc ông bà, bố mẹ lúc tuổi già, chúng ta lưu ý mấy điều sau:
- Thuốc thang đầy đủ lúc cha mẹ già ốm đau;
- Chăm sóc các người cao tuổi một cách thành tâm, chân thực đúng với tấm lòng kính trọng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Con cái cần chú ý tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia một số công việc lặt vặt trong gia đình đặc biệt là chăm sóc dạy dỗ các cháu nhỏ. Làm như vậy các cụ cảm thấy vui và không có mặc cảm mình là người vô dụng.
Về khía cạnh mục vụ người già, tác giả Millibald Demal, OSBDD, trong cuốn “Practical Pastoral Psychology” đã viết như sau: “Ðiều tối quan trọng là tỏ ra kính trọng những người già, kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của họ, chuẩn bị cho họ chết lành qua việc đền tội, ăn năn tội, cầu xin cho được ơn bền đỗ và lòng kiên vững. Họ đặc biệt biết ơn ta nếu ta chỉ cho họ thấy những hạnh phúc đời sống vĩnh cửu, ơn sủng của Thiên Chúa và giá trị lớn lao trong khi chịu đựng những đau khổ một cách nhẫn nại. Họ sẽ rất sẵn sàng nhận lãnh các bí tích thường xuyên hơn, kính mến Ðức Mẹ và Thánh Giuse và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn nơi luyện ngục”./. [5]
Aug. Trần Cao Khải Nguồn: giaophanlongxuyen.org