Nếu một ngày bất chợt Corona viếng thăm “sẽ thấy trong ta ngày đã sang đêm mất rồi”. Ta nghĩ gì về người, người hoài chi đến ta! “Một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi…”. Tất cả “chỉ là … thế thôi”
Đối với đa số người Việt Nam chúng ta, việc bỏ ra hàng ngàn đô-la để được du ngoạn trên các du thuyền sang trọng là điều không ai dám mơ tới. Thế mà lúc này đây, du thuyền đang trở thành cơn ác mộng của những người sử dụng nó.
Nhà văn Phương Phương trong nhật ký “Vũ Hán Những Ngày Phong Thành” có nói đến một thứ “tai họa” thật khủng khiếp mà Virus Corona mang lại: “Tai họa là người bệnh nặng vào viện, nếu chết, lúc vào viện cũng chính là lúc vĩnh biệt người nhà, chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại… Trong tai họa chẳng có phút nào êm ả. Chỉ có người nhắm mắt không cam tâm, chỉ có người thân ruột đau như cắt”.
Thật đúng vậy. Thứ tai họa khiếp nhất mà Virus Corona mang đến không phải chỉ ở số lượng người mắc bệnh và chết, mà nó làm lộ ra bản chất thật của con người. Chúng ta không sợ bệnh, sợ chết cho bằng sợ bị cô lập, bị cách ly… kinh khủng hơn nữa là bị coi như đồ ôn dịch để xa lánh và loại trừ. Điều này đã thực sự xảy ra giữa các quốc gia, các thành phố, địa phương … và thậm chí cả trong xóm làng, gia đình.
Con người chúng ta vốn bản tính kiêu ngạo, luôn trong tâm thế “bàn tay ta làm nên tất cả”. Mà cũng đúng thôi! Theo tôn giáo thì chúng ta vốn được Thượng Đế cho hợp tác cùng Ngài trong công trình sáng tạo vũ trụ, nên cũng có khả năng siêu phàm của thần thánh. Theo khoa học, mỗi người mới chỉ sử dụng được khoảng 10% não bộ, còn rất nhiều năng lực kỳ diệu tiềm ẩn.
Dẫu cao siêu vậy, con người vẫn phải thừa nhận một sự thật phũ phàng rằng: Tôi rất yếu đuối mỏng dòn. Cũng như mọi loài, tôi sẽ phải chết. Thậm chí thời gian và khả năng tồn tại của tôi trong vũ trụ này được xếp vào hạng rất thấp.
Chỉ với Virus Corona nhỏ bé yếu đuối cũng đủ làm rúng động thế giới loài người. Với hơn 60 quốc gia có người lây nhiễm, WHO tuy chưa dùng từ “Đại Dịch”, nhưng đã phải cảnh báo nguy hiểm ở mức độ “rất cao”.Thế mới thấy cuộc sống con người mong manh dường nào. Thế mới hiểu sự hư vô của cõi trần là một thực tế không ai chối cãi được.
Đối diện giông tố để trải nghiệm kiếp người. Chúng ta yếu đuối và mong manh lắm nên xin đừng ảo tưởng mình tuyệt đối muôn năm. Chúng ta nhạy cảm và rất dễ tổn thương nên xin đừng cố xưng anh hùng chiến thắng. Chúng ta cần nhau, cần hơi ấm tình người nên xin đời đừng độc tôn nhân vị.
Nếu một ngày bất chợt Corona viếng thăm “sẽ thấy trong ta ngày đã sang đêm mất rồi”. Ta nghĩ gì về người, người hoài chi đến ta! “Một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi…”. Tất cả “chỉ là … thế thôi” (Nhạc sĩ Thanh Tùng)
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Nguồn: giaophanlongxuyen.org