Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha khi Người sắp phải rời xa những môn đệ thân yêu của mình. Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha để Ngài ban cho họ sự hiệp nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Để có được sự hiệp nhất này, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi cạm bẫy của thế gian. Sống giữa thế gian, người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ gặp những đau khổ, những cám dỗ của thế gian. Chúa Giêsu không xin Chúa Cha cất đi những đau khổ, thử thách nhưng thêm lòng tin và sức mạnh để họ thắng vượt những điều đó. Chúa Giêsu chính là mẫu gương của sự hiệp nhất. Ngài vâng lời Chúa Cha, chấp nhận mang thân phận con người để sống như con người. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đón nhận những cám dỗ, những thử thách nơi sa mạc để cảm thông, chia sẻ với phận người. Trong suốt cuộc đời rao giảng, dù bị hiểu lầm, thù ghét nhưng Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả. Và đỉnh cao là Ngài chấp nhận cái chết đau thương nhục nhã trên thập giá để thánh ý Chúa Cha được trọn vẹn.
Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b), nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh. Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha, nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69), và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26). Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới, dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về. Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới. “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44). Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17), nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian, với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16). Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15), và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm. Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18). Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
Khi cầu xin cho các môn đệ được ơn gìn giữ, Ngài biết trước những khó khăn thử thách đời tông đồ của họ; Ngài cũng nhìn thấy trước những đau buồn, chán nản nơi các ông, và sợ các ông ngã lòng, nên Ngài đã xin Chúa Cha luôn gìn giữ họ, để họ được nâng đỡ trong đức tin, và luôn trung thành với sứ mạng Chúa trao phó cho họ.
Khi cầu xin cho các môn đệ được che chở các ông khỏi thế gian, Chúa Giêsu nhìn thấy trước những cám dỗ của thế gian, dễ lôi cuốn các ông, dễ làm cho các ông bị hư mất. Vì thế, Ngài muốn giải thoát các ông khỏi những cạm bẫy của thế gian, bằng sự bảo vệ, che chở của Chúa Cha: “Xin gìn giữ họ trong Danh Cha”, bằng sự che chở của Chúa Giêsu: “Con đã canh giữ để không một ai trong họ phải hư mất”, và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Đấng Bầu chữa sẽ ở với và ở trong các môn đệ luôn mãi” (Ga 14,16-17).
Khi cầu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ hiểu rằng: các ông được thánh hiến, có nghĩa là các ông được Chúa tách ra khỏi thế gian tội lỗi, nhiều cạm bẫy, để từ nay các ông thuộc trọn về Chúa. Đồng thời, chính bản thân các môn đệ là những được Chúa chọn gọi làm tông đồ, thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Chúa Giêsu không những làm sáng tỏ mối tương quan phụ tử giữa Ngài với Chúa Cha, Ngài còn tung hô sự thánh thiện siêu việt, tuyệt đối của Chúa Cha. Sự thánh thiện vượt trên mọi sự thế gian phàm tục, Ngài thống trị cả địa cầu. Lời Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha bày tỏ tình thương của ngài đối với các môn đệ khi Ngài ở giữa họ, Ngài săn sóc, dạy dỗ, bảo ban họ lời chân thật của Chúa Cha để họ đủ sức đối đầu với thế gian, với lời dối trá của thế gian để họ ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian.
Khi Chúa Giêsu sắp về trời Ngài lo cho họ khi gặp thử thách mà phải nao núng tan rã chăng, Ngài kêu lên với Chúa Cha: Xin gìn giữ các môn đệ trong niềm tin vào danh Cha và trong sự bao bọc của sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa luôn mãi. Lời cầu xin ấy đem lại bình an cho các môn đệ và củng cố niềm vui của họ trong Chúa Giêsu được trọn vẹn, tuy họ ở giữa thế gian bị thế gian ghét bỏ vì họ không thuộc về thế gian. Chúa Giêsu còn tha thiết cầu xin với Chúa Cha dùng lời chân thật của Chúa Cha mà thánh hiến các mộn đệ, để một lần nữa Chúa Cha tách họ khỏi lối sống thế gian, ban cho họ sự sống thần linh của Chúa Cha và ban cho họ những ơn sủng, trợ giúp họ để họ có khả năng thi hành sứ vụ làm tròn sứ mạng vị tông đồ, sứ mạng của một nhà truyền giáo khắp mọi nơi, cho mọi người theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” Nhờ đó các môn đệ sống đời sống thánh hiến của họ với tất cả sự hi sinh, dấn thân vào chương trình cứu độ các linh hồn theo gương Đức Giêsu đã thánh hiến mình cho Thiên Chúa Cha để cứu độ nhân loại bằng cuộc tử nạn của Ngài.
Sau khi chịu phép rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa Cha, cha chúng ta là Đấng Thánh chúng ta cảm nghiệm một niềm vui hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng là con phải giống cha, con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh, có nghĩa là phẩm vị chúng ta đòi buộc, thúc bách chúng ta nổ lực nên Thánh, nổ lực sống hoàn thiện để làm rạng danh Cha mới là con thảo hiếu của Cha. Chúng ta còn là Đấng toàn năng, chúng ta luôn tin tưởng, đặt tràn đầy hi vọng vào cha chúng ta. Đồng thời noi gương Chúa Giêsu biết cầu nguyện cho mình, cho anh em, cho Hội Thánh như Chúa Giêsu đã cầu nguyện, vì chúng ta đang sống giữa bao nhiêu cám dỗ thử thách. Để thắng vượt thế gian chúng ta chúng ta còn cần sống lời Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta mỗi ngày, không những để đối đầu với thế gian mà chúng ta còn làm chứng nhân cho Thiên Chúa nữa, tỏ ra chúng ta không lệ thuộc về thế gian, mà lệ thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không sống rập theo thế gian nhưng là sống theo Thiên Chúa đúng như lời Ngài truyền dạy.
Dù Chúa Giêsu không xin cất chúng ta ra khỏi thế gian, dù thế gian ghét chúng ta bắt bớ chúng ta, giết chết chúng ta, chúng ta vẫn đứng vững trong niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Thiên Chúa, và dấn thân thi hành sứ mạng truyền giáo như Chúa Giêsu đã sai phái Giáo Hội trước khi về trời, chúng ta luôn làm công việc rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, bằng đời sống hoặc bằng công việc bác ái để chúng ta luôn luôn là muối, là ánh sáng cho thế gian.
Mang thân phận con người, ai cũng phải gặp những đau khổ, những thử thách trong cuộc sống. Những đau khổ dễ làm chúng ta nản chí và thất vọng. Những cám dỗ dễ lôi kéo chúng ta đi ngược với những giá trị của Tin Mừng. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đón nhận những điều đó như là cơ hội để thanh luyện và trưởng thành trong đời sống đức tin. Biết từ bỏ những ý riêng, khước từ những cám dỗ và những thứ thuộc về thế gian để chọn Chúa, đó là lẽ sống của cuộc đời kitô hữu. Dưới ánh sáng của Tin Mừng Phục Sinh, đặc biệt là sự về trời của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào tình yêu của Chúa, phó thác đời mình trong vòng tay quan phòng của Chúa và để Ngài gìn giữ, hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Và rồi mỗi người chúng ta cảm nghiệm tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Dù trong cuộc sống có nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách gian nan, chúng ta tin vào ơn của Chúa luôn nâng đỡ, bảo vệ chúng ta nhờ ơn của Chúa. Vì thế, chúng ta hãy luôn kết hiệp với Chúa, và năng cầu nguyện với Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.